THƯ KÊU GỌI CỘNG ĐỒNG LÊN TIẾNG YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM ĐIỀU TRA CÁI CHẾT CỦA ÔNG PHẠM HỮU TẤN TRONG ĐỒN CÔNG AN TỈNH VĨNH LONG VÀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

  • by: Vu Nguyen
  • recipient: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng nhằm yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra một cách công khai và minh bạch đối với cái chết của ông Phạm Hữu Tấn trong đồn công an tỉnh Vĩnh Long, đồng thời có những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn các vụ tra tấn và đánh đập tù nhân ở các trung tâm giam giữ.

 

Sự việc liên quan đến cái chết của ông Phạm Hữu Tấn như sau.

 

Trưa ngày 2 tháng 5 năm 2017, ông Phạm Hữu Tấn, sinh năm 1979, cư trú tại tổ 7, khóm 2, phường Thành Phước, xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, bị Cơ quan An ninh thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ để điều tra về hành vi tán phát tài liệu chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được quy định tại điều 88 của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nguyên do là vì trước đó tại khu vực phường Thành Phước có xuất hiện các truyền đơn và cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, và công an tỉnh Vĩnh Long nghi ngờ ông Tấn là đối tượng đứng sau vụ việc này. Tuy vậy, khám xét nhà ông Tấn công an chỉ tìm thấy một tấm vải màu vàng và cọng dây màu đỏ trong hộp nước yến cùng một cái gối màu vàng. Ngoài ra không có bất cứ dấu hiệu nào khác chứng tỏ ông Tấn đứng sau vụ việc.

 

Khoảng 5 giờ chiều ngày hôm sau, tức ngày 3 tháng 5, gia đình ông Tấn được cơ quan công an thông báo rằng ông Tấn đã tự mình cắt cổ tự tử chết và gia đình được kêu lên nhận xác về chôn. Quan sát bên ngoài thi thể ông Tấn cho thấy một bên đầu của ông bị thương kèm vết cắt sâu đến 2 phần 3 cổ họng của nạn nhân.

 

Ông Phạm Hữu Tấn vốn là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, có vợ và một con trai nhỏ. Ông tu tại gia, ăn chay trường, không có tiền án, tiền sự, và được dân địa phương đánh giá là người hiền lành.

 

Xem xét những vết thương trên cơ thể ông Tấn dẫn đến cái chết của ông, chúng tôi nghi ngờ rằng ông đã bị cơ quan công an tỉnh Vĩnh Long tra tấn và cắt cổ đến chết, chứ không phải ông đã dùng dao rọc giấy tự tử như cơ quan công an giải thích.

 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên một cá nhân bị giam giữ trong đồn công an và bị tra tấn dẫn đến chết. Và nếu cộng đồng không lên tiếng nhằm kêu gọi điều tra một cách minh bạch, xử lý thích đáng những kẻ tham gia tra tấn và giết người, cũng như kêu gọi cải thiện luật lệ và các điều kiện giam giữ, đất nước sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh các nạn nhân bị tra tấn đến chết ở các đồn công an trong những ngày tới.

 

Vì mục tiêu thúc đẩy một xã hội tiến bộ, nơi công lý được thực thi một cách công bằng và các quyền công dân, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được tôn trọng, chúng tôi, những người ký tên với tư cách là những công dân và chủ nhân của đất nước, xác quyết và yêu cầu những điều sau:

 

Một, chúng tôi yêu cầu chính quyền nhanh chóng điều tra lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Phạm Hữu Tấn, tìm ra những cá nhân đã thực hiện lệnh bắt giữ trái phép và tham gia tra tấn ông Tấn. Đây là một vụ việc có dấu hiệu của hành vi giết người.

 

Hai, chúng tôi yêu cầu chính quyền chấm dứt việc đàn áp đối với các cá nhân sử dụng lá cờ vàng. Thứ nhất, đây là một lá cờ mang tính lịch sử thể hiện một truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Nó có từ trước khi có sự xuất hiện của Việt Nam Cộng Hòa cũng như Đảng Cộng sản. Cờ vàng là lá cờ truyền thống của dân tộc có từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ lập quốc. Cờ vàng ba sọc đỏ, một cách chính thức, đã được sử dụng làm quốc kỳ dưới hai triều vua Thành Thái và Duy Tân trong khoảng thời gian 1890-1920. Cả hai vị vua này đã giương cao ngọn cờ kháng chiến chống Pháp, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lá cờ này sau đó được chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân dùng làm quốc kỳ. Các chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa tiếp theo kế tục duy trì lá cờ. Lá cờ với màu vàng biểu trưng dân tộc và ba vạch đỏ xác quyết sự toàn vẹn lãnh thổ, tượng trưng cho ba miền không thể tách rời của Việt Nam. Thứ hai, việc duy trì và thể hiện tình yêu của nhân dân đối với lá cờ không những là một cách nhớ về nguồn cội của dân tộc, mà còn ở đó là quyền tự do thể hiện, vốn đã được công nhận ở Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên.

 

Ba, chúng tôi yêu cầu chính quyền bãi bỏ các điều luật vi phạm tự do, nhân phẩm, và đi ngược lại các chuẩn mực văn minh của nhân loại hiện nay, đó là các điều luật 258, 88, và 79 của Bộ Luật Hình sự. Điều 258 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Điều 88 về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 79 về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Tất cả mọi người sinh ra đều có các quyền tự do và bình đẳng, trong các quyền đó có quyền tự do tư tưởng, quyền tự do ngôn luận, quyền tham gia vào các sinh hoạt chính trị và quyền kiến tạo nên một thể chế chính trị mới nhằm đảm bảo tất cả các quyền tự do của nhân dân được tôn trọng. Đó là những quyền đã được long trọng xác nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là một thành viên của tổ chức này, và do đó, mặc nhiên chấp nhận những quyền công dân này.

Chính vì vậy, những công dân Việt Nam có quyền thay đổi chế độ chính trị nếu thấy rằng chế độ này không đảm bảo các quyền tự do của họ.

 

 

Bốn, chúng tôi yêu cầu chính quyền chấm dứt việc bắt giữ người một cách tùy tiện. Việc bắt giữ người mà không có trát tòa chỉ được thực hiện trong trường hợp bị can có dấu hiệu bỏ trốn hoặc trong những trường hợp có khả năng đe dọa đến tính mạng và tài sản của người khác.

 

Năm, chúng tôi yêu cầu chính quyền cấm tra tấn và đánh đập tù nhân dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Chính quyền có trách nhiệm lên án các hành vi vi phạm pháp luật này, đảm bảo tất cả các báo cáo liên quan đến tra tấn phải được điều tra bởi một cơ quan độc lập, minh bạch, công khai, và các cá nhân tham gia vào quá trình tra tấn phải bị xét xử một cách công bằng với các hình phạt nghiêm minh.

 

Sáu, chúng tôi yêu cầu chính quyền có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho tù nhân trong suốt quá trình giam giữ và thẩm tra. Việc tra tấn hay đánh đập tù nhân thường diễn ra khi tù nhân không có cơ hội thông tin ra bên ngoài. Vì lý do đó, chúng tôi yêu cầu chính quyền bảo đảm những điều sau. Thứ nhất, phải có sự hiện diện của một cơ quan tư pháp độc lập giám sát sự việc ngay khi các cá nhân bị bắt giữ. Thứ hai, các tù nhân phải được quyền tiếp cận với thân nhân, luật sư và bác sỹ ngay khi bị bắt và được tiếp xúc thường xuyên sau đó. Thứ ba, các tù nhân phải được thông báo các quyền của mình, trong đó có quyền đệ đơn khiếu kiện về tình trạng đối xử và việc bị bắt giữ. Thứ tư, chính quyền phải bảo đảm sự có mặt của luật sư trong quá trình thẩm vấn. Và thứ năm, cơ quan giam giữ tù nhân phải tách rời với cơ quan chịu trách nhiệm thẩm vấn.

 

Bảy, chúng tôi yêu cầu chính quyền bảo đảm tất cả những lời khai có được khi tù nhân bị tra tấn và ép cung đều không có giá trị gán tội cho người bị hại; tuy vậy, những lời khai này có thể được dùng để chống lại những kẻ đã thực hiện hành vi tra tấn.

 

Tám, chúng tôi yêu cầu chính quyền có trách nhiệm bồi thường những tổn thất về thân thể và tinh thần cho những nạn nhân bị tra tấn và thân nhân họ.

 

Chín, chúng tôi xác quyết rằng các cá nhân sau đây phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng thực thi pháp luật ở Việt Nam. Đó là ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì quyền lực ở Việt Nam không thông qua một cuộc bầu cử tự do và minh bạch, và do đó, các ông chủ tịch nước, thủ tướng, và bộ trưởng tư pháp không phải là những lãnh đạo và đại diện hợp pháp của người dân Việt Nam. Tuy vậy, với tư cách là lực lượng tiếm quyền và cầm quyền ở Việt Nam, các lãnh đạo Đảng Cộng sản này chính là người chịu trách nhiệm trên hết và cuối cùng cho những vi phạm pháp luật đang diễn ra ở Việt Nam.

Sign Petition
Sign Petition
You have JavaScript disabled. Without it, our site might not function properly.

Privacy Policy

By signing, you accept Care2's Terms of Service.
You can unsub at any time here.

Having problems signing this? Let us know.